Nắm quyền ở Bắc Hà Nguyễn Hữu Chỉnh

Dẹp Án Đô vương

Sau khi Tây Sơn rút, vua Lê Chiêu Thống triệu tập quần thần bàn luận rằng: "Giặc để lại cho ta một nước trống rỗng, nếu có sự nguy cấp, thì chống đỡ bằng cách nào?". Triều đình bèn gửi thư hiệu triệu các quan lại và thế gia cũ đem quân vào bảo vệ kinh thành. Ở nhiều nơi, các hào mục mượn cớ "bảo vệ" để chiêu tập binh mã, chiếm giữ châu quận, đánh giết lẫn nhau, trong nước rất rối ren. Lợi dụng tình hình này, các tướng ủng hộ họ Trịnh như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ và thiêm đô ngự sử Dương Trọng Tế nổi dậy, dựng Trịnh Bồng làm chúa mới, ép Lê Chiêu Thống phong Bồng làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Án Đô vương.

Vua Lê nghe theo lời các văn thần, liền sai người vào Nghệ An mời Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp họ Trịnh. Được danh chính là lời gọi của vua Lê, ông chiêu tập hơn 1 vạn quân, bắc tiến như chẻ tre. Tại xã Hoa Lâm, ông đánh tan quân của tướng Bùi Thế Toại. Quân Trịnh do Lê Trung Nghĩa, Phan Huy Ích được cử đi đánh bị bại. Nghĩa bị giết. Ích bị Chỉnh bắt sống. Sau đó quân Chỉnh đánh thốc ra Thăng Long. Các tướng Trịnh thua trận bỏ chạy[4]. Án Đô vương Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Chiêu Thống sai đốt phủ chúa. Họ Trịnh từ đó không quay lại ngôi vị được nữa.

Dẹp được chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh được Chiêu Thống phong là Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ðại Tư Ðồ, tước Bằng Trung công (鵬忠公)[4].

Các tướng họ Trịnh cũ vẫn hoạt động chống lại nhà Lê. Nguyễn Hữu Chỉnh với sự giúp sức của những tướng thuộc hạ có tài như Nguyễn Như Thái, Hoàng Viết Tuyển đã lần lượt đánh bại Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng TếHoàng Phùng Cơ. Dương Trọng Tế và Hoàng Phùng Cơ bị bắt xử tử. Cả Bắc Hà khi đó không còn đối thủ, Nguyễn Hữu Chỉnh cậy quyền thế lại coi thường lấn át vua Lê.

Thất bại

Sau đó, biết tin anh em Tây Sơn bất hoà, Hữu Chỉnh có ý chống đối lại Tây Sơn, mưu lập thế lực riêng như chúa Trịnh trước đây. Muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh thông đồng với Nguyễn Duệ chiếm đất Nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang (tức sông Gianh) làm giới hạn với Thuận Hóa. Tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc) hay được, bèn gửi thư cáo biến với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Vì vậy ý định của Hữu Chỉnh không thành. Từ khi đó, Văn Nhậm là người được cử ra Nghệ An để tăng cường lực lượng của Tây Sơn[6].

Nguyễn Hữu Chỉnh lại sai Trần Công Xán vào Nam đòi Tây Sơn đất Nghệ An do Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Dũng đang trấn thủ. Vì thế, Nguyễn Huệ cử Ngô Văn SởPhan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Vũ Văn Nhậm tiến ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh[6].

Cuối năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến ra bắc. Hữu Chỉnh có phần chủ quan, bị Vũ Văn Nhậm đánh bại nhanh chóng. Tháng 11, Vũ Văn Nhậm đánh ra Thanh Hóa. Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn sợ Vũ Văn Nhậm, và vì vợ con ông còn ở lại bên Tây Sơn, nên muốn liệu chiều để đi đến chỗ nghị hòa, nhưng còn do dự, chưa quyết định[6].

Ông mang 3 vạn quân đi chống cự ở sông Thanh Quyết, lại sai Nguyễn Hữu Du đem hơn 50 chiếc chiến thuyền chở hết các chiến cụ như đại pháo và hỏa khí đỗ ở cửa sông đối diện với quân Tây Sơn trên cùng một con sông. Hữu Du không hề lo phòng bị. Ban đêm, quân Tây Sơn, ngầm bơi sang, dùng thừng chão dài buộc thuyền của Hữu Du kéo qua bờ phía nam. Quân Bắc Hà sợ hãi chạy trốn. Bao nhiêu đại pháo trong thuyền đều lọt vào tay quân Tây Sơn[6].

Quân Bắc Hà thua chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh nửa đêm trốn từ Thanh Quyết về Thăng Long, thu gom được vài ngàn quân, hộ tống Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc. Trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước hàng Tây Sơn, không đón rước vua Lê nên ông phải mang Chiêu Thống qua đò sông Đáy chạy đi huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Khi Lê Chiêu Thống và Hữu Chỉnh đến Mục Sơn thì quân Tây Sơn đuổi kịp. Bộ tướng của Vũ Văn NhậmNguyễn Văn Hòa chia quân đánh mặt trước, rồi bí mật điều một cánh quân vòng phía sau núi đánh úp. Quân Hữu Chỉnh rối loạn, tự tan vỡ. Hữu Chỉnh thua chạy, vì ngựa què nên bị quân Tây Sơn bắt được.

Nguyễn Văn Hòa đưa Nguyễn Hữu Chỉnh về Thăng Long. Vũ Văn Nhậm kể tội ông là bất trung rồi sai xé xác ông ở cửa thành[6].